Trữ quân ở Châu Âu Trữ_quân

Heir apparent và Heir presumptive

Ở Châu Âu về vấn đề kế vị rất không ổn định và thường xuyên có thay đổi về hôn nhân và khả năng sinh hạ người thừa kế, cho nên Trữ quân không phải lúc nào cũng là con của vị Vua đương nhiệm, mà có một nửa là anh em, chú bác hay thậm chí là họ hàng trong gia tộc dựa theo quy định kế vị mà Nghị viện hay cơ quan Hành pháp của quốc gia ấy quy định, điển hình sự kiện Vua James VI của Scotland kế vị Nữ vương Elizabeth vì là hậu duệ của Margaret Tudor - chị gái của Henry VIII của Anh, thông qua đạo luật thừa kế được phê duyệt.

Do đó, những danh từ nói đến Trữ quân ở Châu Âu lại có hai định nghĩa chính, là:

  1. [Heir apparent]: tức "Người kế vị một cách hiển nhiên". Những người này chắc chắn sẽ kế vị theo chế độ, cũng có thể gọi là Trữ quân chính thức.
  2. [Heir presumptive]: tức "Người vào lúc này có vẻ sẽ là người thừa kế". Những người này vào một thời điểm hiện hữu, được xem là người kế vị (chưa được gọi là Trữ quân), nhưng nếu một người khác trong hoàng gia được sinh ra, có quyền kế vị cao hơn thì người này ngay lập tức mất đi quyền kế vị.

Các Heir presumptive biểu hiện thường là "người con của em trai lớn nhất của nhà Vua" hoặc "con gái lớn nhất của nhà Vua". Cả hai ví dụ trên đã xảy ra với cả Nữ vương VictoriaElizabeth II, vì cả hai tuy là nữ nhưng là người con hợp pháp duy nhất/lớn nhất của người em trai nhà Vua (Vua William IV) và bản thân nhà Vua (Vua George VI). Song nếu cả hai vị Vua này thể có con trai hợp pháp vào thời điểm trước khi mình qua đời, ngay lập tức Victoria và Elizabeth sẽ mất quyền kế vị.

Những Heir apparent ở phương Tây thường có tước hiệu riêng biệt và cụ thể, như Thân vương xứ Wales của Anh, tuy nhiên tùy vào vài trường hợp (thường nếu Heir apparent là nữ), thì một Heir apparent cũng không nhất thiết phải có tước vị tương ứng. Điển hình nhất là Elizabeth II, bà là một Heir apparent vì cha bà, Vua George VI, không có người nam duệ thừa kế, bà được chính phủ xứ Wales đề nghị nhận danh hiệu [Princess of Wales] để biểu thị vị trí của mình, song Vua George đã khước từ vì danh hiệu này vốn chỉ dành cho vợ của các Thân vương xứ Wales. Dẫu vậy, Elizabeth tiếp tục nhận những hoạt động biểu thị thừa kế của mình cho đến khi chính thức kế vị.

Luật lệ thừa kế

Trận Barnet trong Cuộc chiến Hoa Hồng của nước Anh.

Xã hội Châu Âu về cơ bản cũng là theo hình thức chọn con trưởng làm người thừa kế. Người con trưởng, cả nam lẫn nữ đều được ưu tiên hơn hẳn. Ngoài ra, những người con ngoài giá thú tức là không theo hôn nhân đều không có quyền thừa kế. Nữ vương Elizabeth I của Anh từng mất quyền kế vị vì từng bị tuyên bố là con hoang. Chế độ kế vị ở Châu Âu phần nhiều tùy vào từng quốc gia mà quy định. Như ở nước Anh là phải thuộc Kháng Cách sau thời đại Vua Henry VIII nhà Tudor, sau đó là xét về thứ tự hậu duệ của người trong triều đại, ví dụ sau đời Henry VIII thì hậu duệ của chị em nhà Vua cũng có quyền thừa kế, đó là lý do khiến Vua James kế vị Nữ vương Elizabeth, trở thành Quốc vương nhà Stuart của Scotland, cai trị Scotland lẫn nước Anh.

Ngoài ra, sự môn đăng hộ đối cũng là yêu cầu bắt buộc, đây cũng là vấn đề lớn dẫn đến một người có quyền thừa kế tài sản cha mẹ hay không. Theo Quý tiện kết hôn, là thông luật do giới quý tộc Châu Âu áp dụng trong cách thức kế thừa tước hiệu cũng như tài sản khi một người đàn ông trong giới quý tộc, nếu lấy một người đàn bà thường dân. Theo phép luật đó thì con cái của người đàn ông đó tuy được thừa nhận nhưng không thuộc trong danh sách gia tộc khi xét đến thừa hưởng tài sản và tước hiệu.

Khi một vị Vua thuộc dòng nam trưởng của một vương triều qua đời mà không có người thừa kế chính danh, thì những nam duệ khác của dòng thứ sẽ có quyền thừa kế nếu vị Vua chưa quyết định ai chắc chắn là người thừa kế. Chiến tranh Hoa HồngChiến tranh Kế vị Tây Ban Nha là hai cuộc xung đột điển hình nhất về vấn đề này, phát sinh là do sự tranh luận quyền kế vị giữa "nam giới thuộc dòng thứ" trong khi các bên đều có thế lực. Đây nhìn chung là sự đấu tranh thế lực hơn là pháp luật, do người chiến thắng sẽ có quyền điều chỉnh luật pháp để biến mình là người kế vị hợp pháp, như trường hợp nhà York.

Tôn giáo cũng là vấn đề của quyền kế tại. Tại Thụy Điển và hầu hết các nước ở Châu Âu đại lục, người thừa kế ngai vàng sẽ mất đi quyền kế vị nếu họ kết hôn mà không có sự chấp thuận của vị Vua ấy cùng Chính phủ và nhà thờ tôn giáo của quốc gia. Tại nước Anh, một người mất đi quyền kế vị nếu cải đạo thành Công giáo La Mã, và với người thường thì kết hôn trái đạo này cũng đồng nghĩa mất đi đất đai và tước hiệu. Sự kiện nổi tiếng nhất liên quan đến vấn đề này chính là Cách mạng Vinh quang ở Anh thời Vua James II, do ông đã nuôi dạy người thừa kế hợp pháp của mình, James Francis Edward Stuart, trở thành người đạo Công giáo. Nghị viện đã làm cách mạng, buộc Vua James thoái vị để con gái cả của ông, Mary, một người theo Kháng Cách lên ngôi, trở thành Mary II của Anh. Từ năm 2011, Khối thịnh vượng chung đã thông qua luật bãi bỏ sự khác biệt tôn giáo này, được gọi là Perth Agreement.

Quyền thừa kế của nữ

Maria Theresa, nguyên nhân của Chiến tranh Kế vị Áo.

Châu Âu đại lục còn có Đạo luật Salic cũng ảnh hưởng rất lớn đối với quy định thừa kế ở Châu Âu. Điểm đáng nói là bộ luật này không công nhận quyền kế vị của phụ nữ trong bất kì trường hợp nào, kể cả dòng dõi xa. Do sự ảnh hưởng của Francia và việc liên hôn, phần đông các quốc gia ở Châu Âu, đều theo đạo luật này. Chiến tranh Kế vị Áo phát sinh là do sự tranh luận quyền kế vị với "nữ giới thuộc dòng chính", xảy ra khi người thừa kế hợp pháp duy nhất còn lại của nhà Habsburg cho ngai vị của Thánh chế La Mã là nữ giới, tức Archduchess Maria Theresa, điều bị cấm đoán do ảnh hưởng của luật Salic. Về cơ bản, cuộc chiến này xảy ra như một "lý do thuận tiện" đưa ra bởi Phổ và Pháp để gây chiến, thách thức quyền lực Habsburg.

Cuộc Chiến tranh trăm năm giữa AnhPháp phát sinh chính là về vấn đề thừa kế vương vị. Khi đó, Charles IV của Pháp qua đời mà không có người thừa kế nào. Edward III của Anh đã nhân đó yêu cầu quyền kế vị ngai vàng Pháp, do ông là con trai của em gái Charles IV của Pháp tức Isabella của Pháp. Tuy nhiên, theo "Đạo luật Salic", khả năng thừa kế Vương vị không được công nhận thông qua dòng dõi nữ giới, nên triều đình Pháp bác bỏ tư cách của Edward III của Anh, mà thay vào đó là sự lên ngôi của Philippe VI của Pháp. Edward III của Anh tuy rằng thỏa hiệp, nhưng mầm móng trực tiếp của cuộc chiến tranh đã hình thành. Đạo luật Salic còn ảnh hưởng tiêu biểu ở trường hợp Nữ vương Victoria. Tuy luật lệ người Anh chấp nhận nữ giới kế thừa Vương vị nếu không có nam duệ, nhưng Vương quốc HanoverChâu Âu đại lục - chịu ảnh hưởng của luật Salic thì không; đó là lý do Victoria khi đăng vị Nữ vương nước Anh, nhưng lại không có quyền thừa kế Vương quốc Hanover (gốc tích của nhà Hanover), mà phải truyền cho người chú trong nhà là Ernest Augustus, trở thành Quốc vương của Hanover.

Quyền thừa kế của nữ giới, trong các vương pháp không xét giới tính trước thế kỉ 20, đều tuân theo quy tắc: ["Nếu không có người con trai hợp pháp, thì nữ giới mới xét đến quyền kế vị"]. Do đó, trong danh sách thứ tự thừa kế, trong cùng 1 thế hệ của người con trai trưởng lớn nhất chỉ sau Quốc vương, thì người nữ luôn xếp sau người nam, cho dù người nữ có là chị đi chăng nữa. Cuối thế kỉ 20, năm 1980, Vương quốc Thụy Điển chấp nhận [Quyền thừa kế tuyệt đối của con trưởng; Absolute Primogeniture], tức là người con lớn nhất bất kể giới tính sẽ có thể thừa kế ngai vàng, và đó chính là Công chúa Victoria của Thụy Điển. Sau đó, Vương quốc Bỉ vào năm 1991 cũng thông qua dự luật này, khiến Công chúa Élisabeth, Nữ Công tước xứ Brabant trở thành Trữ quân của Bỉ. Đến năm 2015, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland bắt đầu rục rịch áp dụng quy tắc mới này, song do 3 thế hệ con trưởng của Nữ vương đều là nam giới, nên quyền thừa kế cho nữ chỉ biểu thị ở việc Princess Charlotte xứ Cambridge ở danh sách bên trên em trai của mình, Prince Louis xứ Cambridge, trở thành một Công chúa Anh đầu tiên có quyền kế vị trên em trai của mình.

Nữ vương Anne - quyền thừa kế của bà vượt trên bất kì nam duệ nào của vương triều dù là nữ.

Nhưng trật tự của nữ giới trong hàng thừa kế, trước thời đại thế kỉ 20 cũng không phải lúc nào cũng tự động thua người nam. Nếu trường hợp Heir apparent là nam và qua đời trước quân chủ, song không có con trai mà chỉ duy nhất một con gái, thì quyền kế vị của người cha sẽ truyền cho con gái, bất chấp tước hiệu hay địa vị, song điều này chỉ xảy ra nếu biết chắc góa phụ của vị Heir apparent đó không đang mang thai người con nào, hoặc nếu có mang thai thì phải biết đứa bé sinh ra là nam hay nữ. Nếu là nam, thì cô con gái kia sẽ tự động không còn quyền thừa kế, nhưng nếu là nữ thì cô con gái vẫn sẽ có quyền, do quan niệm "con cả ưu tiên hơn con thứ" cũng áp dụng cho nữ giới. Sau khi xác định người nữ vẫn là duy nhất hoặc lớn nhất, thì cô ấy có quyền thừa kế vị trí của người cha hơn tất cả những họ hàng nào vai vế khác, cho dù những người đó là nam giới và có hậu duệ đi nữa. Trường hợp này rất điển hình có Nữ vương Victoria, bà là con gái duy nhất của người em lớn nhất của William IV, do vậy bà có quyền thừa kế trên người chú là Ernest Augustus, người sau đó lãnh tước Vương ở Hanover do Victoria không thể thừa kế tước vị này.

Trong lịch sử Anh, có trường hợp khá đặc biệt về thứ tự nữ thừa kế trong danh sách trước khi "quyền tuyệt đối của con trưởng" phổ biến vào thế kỉ 20, chính là thời Mary II của Anh. Sau Cách mạng Vinh quang, vào năm 1689, Nghị viện đồng thuận cho Mary cùng chồng là William III của Anh thành "Đồng quân vương" của Anh, Scotland và Ireland, nhưng chỉ chấp nhận hậu duệ giữa William và Mary, vì theo luật thừa kế thì Mary mới là dòng dõi chính thống: con gái của James II của Anh, trong khi William là con của người chị của Vua James, tức Công chúa Mary. Nếu con của William sinh ra mà người mẹ không phải là Mary, thì những người con đó đều phải xếp sau bản thân ông (do là anh họ Mary), cùng em gái của Mary là Công chúa Anne[5]. Theo đó, Anne là một Heir apparent suốt thời đại William, và thành công kế vị ngai vàng của Anh, Scotland và Ireland sau khi William qua đời.